Samtrip.vn -Du lịch Côn Đảo là một lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ cùng không gian thanh bình và tìm hiểu lịch sử Việt Nam. Một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Côn Đảo là di tích Chuồng Cọp Pháp nằm trong hệ thống Nhà tù Côn Đảo. Chuồng Cọp xây dựng năm 1940 nhằm giam giữ những người tù Cộng Sản cao cấp và quan trọng trong chiến tranh. Gọi là Chuồng Cọp vì nhà tù được xây với hàng song trần trên nóc.

Chuồng Cọp Pháp nằm giữa hai dãy nhà tù Côn Đảo , mỗi dãy lại đi một cổng, do vậy nhìn bên ngoài chỉ có thể thấy những buồng giam hết sức bình thường. Giữa Chuồng Cọp với mỗi nhà giam chỉ ngăn cách bằng cánh cửa nhỏ cũ kỹ, luôn đóng lại như đã không dùng lâu ngày. Tổng diện tích Chuồng Cọp Pháp là 5.475m2 (trong đó diện tích phòng giam 1.408m2, phòng tắm nắng 1.873m2, khoảng trống 2.194m2). Chuồng Cọp có 120 phòng biệt giam chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng không có mái che (chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng, còn gọi là phòng tắm nắng để hành hạ, đánh đập tra tấn người tù) và 60 phòng có mái che. Các buồng “chuồng” giam giữ có bề ngang 1,45 m, dài 2,5 m.

Người tù ngoài bị bỏ đói còn bị xiềng chân, tra tấn dã man. Mỗi chuồng giam có những hàng song trần trên nóc, bên trên là lối đi dành cho cai ngục kiểm soát, theo dõi tù nhân, các cai tù cầm sẵn những chiếc gậy dài sẵn sàng chọc xuống tù nhân, coi người tù chính trị ở Côn Đảo không khác gì thú vật. Trên trần mỗi buồng giam để một thùng vôi bột và một thùng nước. Khi tù nhân khát cai ngục sẽ đổ ào nước xuống. Hình phạt dành cho những ai có dấu hiệu phản đối là rắc vôi xuống mịt mù.

Nơi đây được ngụy trang một cách khéo léo tới mức chỉ tồn tại như một lời đồn và hoạt động bí mật trong gần 30 năm. Thường là tù nhân Côn Đảo bị đánh đập tra tấn đến ngất xỉu khi đưa vào Chuồng Cọp và được đưa ra bằng cửa khác để đánh lạc hướng. Điều này đã làm cho người tù bị mất phương hướng, không xác định mình bị giam ở trại nào trong nhà tù Côn Đảo, cũng như là vị trí của Chuồng Cọp.

Ảnh: Du lịch Côn Đảo: Phòng tắm nắng – Chuồng Cọp Pháp – Nhà tù Côn Đảo

Cuối cùng thật về Chuồng Cọp nằm trong hệ thống Nhà tù Côn Đảo đã được phơi bày trước công luận thế giới. Thông tin về Chuồng Cọp được tiết lộ bởi nhóm sinh viên yêu nước bị bắt đày ải ra Côn Đảo sau đó được thả về là Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Minh Trí, Trần Văn Long, Nguyễn Thanh Tòng và Nguyễn Tuấn Kiệt. Và các sinh viên này đã cung cấp tin cho Hakin, nhân vật phụ tá  đoàn nghị sỹ 10 người do tổng thống Nixon gửi  tới Việt Nam. Hakin tới Côn Đảo và tìm ra vị trí của Chuồng Cọp. Khi trở về Washington, Harkin đã đưa chuyện này ra báo chí. Toàn bộ dư luận Mỹ và Thế giới chấn động khi ngày 17-7-1970 sự thật một khu nhà tù đặc biệt có tên “Chuồng Cọp” tại nhà tù Côn Đảo – cùng các bức ảnh được đưa lên tạp chí Life và một loạt cơ quan truyền thông quốc tế. Don Luce sau này viết lại: “Khuôn mặt của tù nhân trong những chuồng cọp phía dưới đã để lại những dấu ấn không phai trong ký ức tôi. Tôi nhớ rất rõ mùi hôi thối kinh khủng do tiêu chảy và những vết thương lở loét do bị cùm xích cứa vào mắt cá chân của tù nhân. “Donnez-moi de l’eau” (hãy cho tôi nước) họ nói”.

Dưới sức ép của dư luận Quốc tế, cùng  phong trào yêu nước ở miền Nam Việt Nam và làn sóng đấu tranh của tù nhân trong nhà tù Côn Đảo, cuối năm 1970 Mỹ ngụy phải giải toả Chuồng Cọp chuyển 180 tù nhân nam và 300 tù nhân nữ ra khỏi các chuồng cọp. Một số được chuyển tới các nhà tù khác, một số được đưa vào các viện tâm thần. Và biến khu biệt lập này thành chuồng nuôi Thỏ để làm dịu dư luận.

Ảnh: Du lịch Côn Đảo: Tra tấn tù nhân tại Chuồng Cọp Pháp – Nhà tù Côn Đảo

25 năm sau, Tom Harkin trở lại Côn Đảo Ông xúc động nói: “Đó là phát hiện thật sự gây sốc đối với tôi. Chúng tôi đã vi phạm Công ước, đã vi phạm những quyền con người cơ bản nhất ở trong nhà tù đó… Khi nhìn những nhà tù ở Guantanamo, tôi nghĩ “trời ơi, đây y như là ở nhà tù Côn Đảo…”

Du lịch Côn Đảo, tham gia các tour Côn Đảo, ghé thăm Chuồng Cọp để hiểu hơn về những đau khổ mà cha ông đã phải chịu đựng vì độc lập của dân tộc. Chuồng Cọp là một vết thương kinh hoàng của Côn Đảo, nhưng đó cũng là nơi ghi dấu biết bao ý chí kiên cường, lý tưởng và sức chịu đựng của con người. Chuồng Cọp là linh hồn trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị Côn Đảo, gắn liền với chiến công phong trào chống ly khai và chống chào cờ.

Ngày 29/4/1979, Bộ Văn Hóa – Thông Tin đã ra quyết định số 54-VHQĐ công nhận Chuồng Cọp Pháp là Khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia ngày 29/4/1979.

Ngày 10/5/2012 Thủ Tướng chính phủ ra quyết định 548/ QĐTTg công nhận Chuồng cọp Pháp là Di tích Đặc biệt Quốc Gia.

(Theo: Hoàng Thị Lương – Land tour Côn Đảo)