Những thị trấn nhỏ ở Sicily đang phải đối mặt với sự sụt giảm dân số nghiêm trọng do người dân di cư đến các quốc gia châu Âu khác để tìm kiếm việc làm và tỷ lệ sinh giảm. Sự ra đời của một em bé ở thị trấn nhỏ bé Acquaviva Platani được coi là sự kiện hiếm hoi đến nỗi người dân đánh chuông để chào đón sự xuất hiện này.

Cuộc khủng hoảng dân số chưa từng thấy

Chỉ với 800 cư dân, Acquaviva Platani là một trong số hàng ngàn thị trấn ở Italia có nguy cơ “biến mất” trong những thập kỷ tới, khi đất nước phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số giảm chưa từng thấy. Theo cơ quan thống kê quốc gia (ISTAT), lần đầu tiên sau 90 năm, dân số Italia đã giảm xuống còn khoảng 55 triệu người. Từ năm 2014 đến 2018, dân số giảm 677.000 người.

Theo các chuyên gia, hai yếu tố chính dẫn đến giảm dân số là do tỷ lệ sinh giảm ở mức thấp nhất mọi thời đại kể từ khi Italia thống nhất và tình trạng những người trẻ tuổi di cư đến các quốc gia châu Âu khác tìm kiếm cơ hội việc làm gia tăng. Theo ISTAT, gần 157.000 người rời khỏi đất nước vào năm 2018.

Liên hợp quốc nhận định, Italia là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu phải đối mặt với tình trạng dân số tiếp tục giảm trong 5 năm tới. Italia đứng thứ hai (chỉ sau Nhật Bản) về tỷ lệ người già, ước tính 168,7 người trên 65 tuổi/100 người trẻ.

Hầu hết những người sống ở Acquaviva Platani đều hơn 60 tuổi và số người chết dao động trong khoảng từ 20 đến 30 người mỗi năm. Tiếng chuông chào mừng sự ra đời của một đứa trẻ cũng chỉ rung lên một lần hoặc nhiều nhất là ba lần một năm.

“Bạn có thể làm gì với tình trạng này? Đó là cuộc sống”, ông Giuseppe Li Pani, 81 tuổi nói trong khi chơi bài với các cụ ông khác tại quán bar ở quảng trường Plado Mosca. “Những người trẻ tuổi rời đi và họ quyết định không sinh con. Làm sao chúng ta có thể đổ lỗi cho họ? Không có cơ hội việc làm ở đây. Làm thế nào họ có thể chăm sóc một đứa trẻ?”, ông Giuseppe Li Pani đặt hàng loạt câu hỏi.

Acquaviva Platani đang đi vào ngõ cụt. Trong những năm 1950, thị trấn này có gần 3.700 cư dân. Một số người làm việc ở nông thôn, trong khi những người còn lại làm việc ở các mỏ muối ở Caltanissetta, bao gồm cả ông Li Pani, khi đó đang ở tuổi 18 làm công việc lái máy kéo.

“Đó là một công việc khó khăn. Chúng tôi làm việc trong môi trường sâu gần 150 mét. Chúng tôi trở về nhà trong tình trạng mệt mỏi nhưng vẫn có nụ cười trên môi vì không thiếu việc làm. Trong một vài năm, mọi thứ đã thay đổi”, ông Giuseppe Li Pani nói tiếp.

Vòng luẩn quẩn giữa sự suy giảm dân số và kinh tế

Như ở các vùng nông thôn khác ở Sicily, quá trình công nghiệp hóa ngành nông nghiệp khiến các mỏ muối bị đóng cửa, thay thế bằng việc sản xuất muối biển, dễ dàng và ít tốn kém hơn. Mọi người bắt đầu di cư đến các nhà máy ở Anh, Bỉ, Pháp, Đức và Acquaviva Platani rơi vào tình trạng suy giảm dân số.

“Tôi đã đến Sheffield để làm bồi bàn vào những năm 1960. Vào mùa hè, tôi thường quay trở lại Acquaviva Platani và thật buồn khi thấy ngôi làng ngày càng thưa thớt người”, cụ ông Antonio Piletto, 81 tuổi nói. Ông Salvatore Caruso, người đứng đầu thị trấn Acquaviva Platani cho biết, nhiều người dân sống nhờ tiền lương hưu. Trường tiểu học chỉ có hai lớp. Một số ít công việc tuyển dụng thanh niên trong thị trấn. “Thật không may, số phận của Acquaviva Platani không khác gì so với các thị trấn khác ở Italia”, ông Salvatore Caruso nói.

Ở Campofranco gần đó, một thị trấn nằm giữa quãng đường từ Agrigento đến Palermo, gần 400 người đã di cư để tìm kiếm việc làm trong 5 năm qua. Dân số ở Campofranco hiện có 2.850 người. Rosario Pitanza, người đứng đầu thị trấn Campofranco cho biết, “chúng tôi đã làm mọi cách để ngăn chặn sự suy giảm nhân khẩu học. Rất đáng lo ngại là các hoạt động thương mại đang giảm dần và nhiều nhà máy trong thị trấn phải đóng cửa”.

Trong nỗ lực hồi sinh các thị trấn, một số người đứng đầu thị trấn đã đưa ra nhiều “chiêu” ưu đãi như bán hoặc tặng nhà cho bất kỳ ai sẵn sàng chuyển đến sống trong thị trấn. Giá bán chỉ mang tính biểu trưng là 1 euro. Một số thị trấn khác như Sutera ở Caltanissetta đã quyết định mở cửa những ngôi nhà bỏ trống cho người xin tị nạn từ Libya.

Francesco Giavazzi, Giáo sư kinh tế tại Đại học Bocconi, Milan cho biết, việc mở cửa những ngôi nhà trống cho người di cư có thể là giải pháp duy nhất cho sự sống còn của các thị trấn có nguy cơ biến mất. “Nếu bạn nhìn vào lịch sử của Mỹ và Pháp, bạn sẽ thấy, người di cư là giải pháp để chống lại sự suy giảm dân số”, Giáo sư Francesco Giavazzi nói.

Các nhà kinh tế Italia cảnh báo rằng, sự suy giảm dân số có thể kéo đất nước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, tạo ra vòng luẩn quẩn: cuộc khủng hoảng kinh tế làm trầm trọng thêm sự suy giảm dân số, từ đó dẫn đến nhiều bất ổn kinh tế.